Lập ngân sách (hoặc kế hoạch về tiền bạc) cho phép quý vị nhìn thấy tiền thu vào và chi ra khỏi hộ gia đình của quý vị. Nó giúp quý vị quản lý tiền của mình và để dành tiền mua những thứ quý vị cần.
Ngân sách hoạt động như thế nào
'Ngân sách' là một kế hoạch về tiền bạc cho quý vị biết số tiền thu vào và chi ra khỏi hộ gia đình của quý vị. Ngân sách có thể là hàng tuần, hai tuần một lần hoặc hàng tháng.
Kế hoạch về tiền bạc giúp quý vị tính xem những gì quan trọng nhất. Sau đó, quý vị có thể chọn cắt giảm những thứ không cần và để dành tiền nhiều hơn cho những thứ quý vị muốn.
Lập ngân sách của quý vị
Làm theo các bước sau để bắt đầu.
Để dễ dàng hơn, hãy yêu cầu trình quản lý tiền đơn giản thực hiện việc cộng dồn cho quý vị.
1. Liệt kê các khoản tiền thu vào
Liệt kê số tiền thu vào trong hộ gia đình của quý vị ('lợi tức'), chẳng hạn như:
- tiền lương từ công việc của quý vị
- khoản hưu trí (pension) hoặc trợ cấp từ Centrelink
Để tìm thông tin này, hãy xem phiếu lương, ngân hàng trực tuyến hoặc sao kê ngân hàng của quý vị.
2. Liệt kê các khoản tiền chi ra
Liệt kê các khoản tiền chi ra ('chi phí'), như chi phí sinh hoạt, trả hóa đơn và trả nợ:
- chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản hàng tuần như thực phẩm, đồ tạp hóa, phương tiện di chuyển
- hóa đơn thông thường như tiền thuê nhà hoặc trả nợ nhà, tiền điện, điện thoại, trả nợ tín dụng, bảo hiểm
- chi tiêu ít thường xuyên hơn như quần áo, học phí, đăng bạ xe cộ, chi phí y tế
Kiểm tra ngân hàng trực tuyến hoặc bảng sao kê, hóa đơn và bảng sao kê thẻ tín dụng của quý vị. Ghi lại các chi phí đó là cho những món gì, giá bao nhiêu và khi nào quý vị trả nó.
3. So sánh tiền thu vào và tiền chi ra
So sánh danh sách tiền thu vào và chi ra của quý vị.
Nếu quý vị chi ra nhiều hơn thu vào — đã đến lúc phải đưa ra một số lựa chọn. Hãy suy nghĩ về những gì là:
- 'nhu cầu' (không thể thiếu)
- 'muốn' (có thể không cần, ít nhất là trong một thời gian)
Quyết định những gì quý vị có thể cắt giảm hoặc giảm bớt. Hãy thực tế — đừng làm cho nó trở nên quá khó mà không thể áp dụng được.
Khi quý vị đã thực hiện các khoản cắt giảm, hãy trừ tiền chi ra khỏi tiền thu vào.
Số tiền còn lại là số tiền quý vị có thể dành cho mục tiêu tiết kiệm của mình.
4. Đặt mục tiêu tiết kiệm của quý vị
Đặt mục tiêu tiết kiệm khiến quý vị cảm thấy tích cực và giúp quý vị tập trung vào mục tiêu cho sự tiết kiệm.
Không quan trọng mục tiêu của quý vị lớn hay nhỏ, chỉ cần bắt đầu. Ngay cả việc để dành một số tiền nhỏ đều đặn sẽ làm khoản tiền này tăng lên theo thời gian.
Làm cho ngân sách của quý vị có hiệu quả
Tách chi tiêu và khoản tiết kiệm của quý vị
Hãy thử thiết lập tài khoản ngân hàng riêng cho:
- chi tiêu hàng ngày và hóa đơn
- tiết kiệm
Nếu có thể, hãy sắp xếp chuyển thường xuyên một số tiền trong khoản lương của quý vị vào tài khoản tiết kiệm trong ngày được trả lương. Bằng cách này, quý vị đang tiết kiệm mà không cần phải suy nghĩ về nó.
Hãy hỏi chủ lao động, bạn bè hoặc thành viên gia đình nếu quý vị cần trợ giúp để thực hiện việc này.
Trả hóa đơn của quý vị với những số tiền nhỏ hơn
Liên hệ với các cơ sở cung cấp dịch vụ của quý vị, như điện và khí đốt, để hỏi về việc trả hóa đơn với những số tiền nhỏ hơn ('trả góp').
Quý vị có thể trả hai tuần một lần hoặc hàng tháng để tránh bị sốc khi có một hóa đơn với số tiền lớn.
Nếu quý vị nhận khoản trợ cấp của Centrelink, quý vị có thể sử dụng dịch vụ Centrepay miễn phí của họ để thực hiện việc này.
Nhờ trợ giúp nếu cần thiết
Có sẵn sự trợ giúp miễn phí, nếu quý vị cần đến:
- Để được trợ giúp bằng ngôn ngữ của quý vị, hãy gọi cho dịch vụ thông và phiên dịch TIS National qua số 131 450. Họ sẽ nhờ một thông dịch viên gọi đến dịch vụ mà quý vị cần trợ giúp.
- Để được trợ giúp giải quyết các vấn đề về tiền bạc, hãy gọi cho Đường dây Trợ giúp Quốc gia về Nợ nần miễn phí qua số 1800 007 007. Đường dây Trợ giúp từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 9:30 sáng đến 4:30 chiều.