Lừa đảo là khi ai đó lừa lấy tiền của quý vị. Những kẻ lừa đảo có kỹ năng giả vờ rằng họ là thật và họ có thể giúp quý vị theo một cách nào đó.
Cách phát hiện lừa đảo
Dưới đây là những dấu hiệu chính của sự lừa đảo:
- Liên hệ mà quý vị không mong đợi – ai đó đề nghị giúp quý vị về điều gì đó, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng hoặc internet của quý vị hoặc gợi ý quý vị đầu tư
- Lời đề nghị quá tốt nghe như không thật – nghe có vẻ như một kế hoạch 'làm giàu nhanh chóng', mà nó không thực tế
- Quý vị bị áp lực phải làm điều gì đó nhanh chóng – như chuyển tiền hoặc đưa ra quyết định nhanh chóng
Kẻ lừa đảo có thể yêu cầu quý vị:
- trả tiền cho một thứ gì đó theo cách khác thường, chẳng hạn như bằng thẻ quà tặng
- cập nhật chi tiết đăng nhập của quý vị hoặc cung cấp cho họ mật khẩu của quý vị hoặc các chi tiết cá nhân khác
- xác nhận chi tiết ngân hàng của quý vị để họ có thể 'hoàn lại tiền' cho quý vị
- cung cấp cho họ mã xác minh ngân hàng
- nhấp vào một liên kết họ gửi cho quý vị
- tải xuống phần mềm họ cung cấp
- cấp cho họ quyền truy cập từ xa vào máy tính của quý vị để họ có thể 'khắc phục' sự cố (sự cố này không)
Làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi những trò lừa đảo
DỪNG LẠI
Nếu quý vị được liên lạc bất ngờ, hãy dừng lại và suy nghĩ trước khi trả lời.
KIỂM TRA
Kiểm tra xem liên hệ có phải từ một người hoặc tổ chức thực sự hay không.
Hãy tìm số điện thoại được liệt kê công khai của họ. Hoặc, nếu quý vị biết người đó, hãy gọi trực tiếp cho họ và hỏi xem họ có thực sự liên lạc với quý vị không.
Thường xuyên kiểm tra các giao dịch đáng ngờ trên tài khoản ngân hàng, báo cáo tín dụng và tài khoản mua sắm trực tuyến của quý vị.
HÀNH ĐỘNG
Nếu quý vị nghi ngờ điều gì đó không đúng, hãy hành động nhanh chóng. Chặn hoặc xóa tin nhắn hoặc email, hay ngắt cuộc gọi.
Đừng gửi bất kỳ khoản tiền nào. Hoặc, nếu quý vị đã gửi tiền, hãy liên hệ ngay với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của quý vị để báo cáo hành vi lừa đảo.
Cảnh báo gia đình và bạn bè của quý vị về điều đó và coi chừng bất kỳ 'lời đề nghị' tiếp theo nào để lấy lại số tiền đã mất của quý vị.
MONEYSMART
Để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ lừa đảo, hãy làm theo các lời khuyên sau đây:
- Chỉ sử dụng các trang mạng đáng tin cậy để giao dịch ngân hàng, đầu tư, mua sắm – hãy tìm ký hiệu 'ổ khóa' trong địa chỉ trang mạng
- Không nhấp vào liên kết trong email hoặc tin nhắn văn bản đáng ngờ
- Kiểm tra các giao dịch của quý vị xem có bất kỳ điều gì đáng ngờ không
- Sử dụng mật khẩu mạnh và thay đổi chúng 6 tháng một lần
- Giữ thông tin cá nhân của quý vị an toàn – ngày sinh, địa chỉ, email, địa chỉ liên hệ trên mạng xã hội
- Bảo mật máy tính và thiết bị di động của quý vị – giữ chúng ở nơi an toàn tại nhà và sử dụng phần mềm chống vi-rút từ nhà cung cấp đáng tin cậy
Phải làm gì nếu quý vị đã bị lừa đảo
Nếu quý vị đã bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau để hành động.
- Đừng gửi tiền nữa. Chặn tất cả liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của quý vị ngay lập tức để báo cáo về sự lừa đảo. Yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Cảnh báo gia đình và bạn bè của quý vị về sự lừa đảo.
- Cảnh giác với những trò lừa đảo tiếp theo tiềm ẩn với 'ưu đãi' để lấy lại tiền nếu quý vị trả nhiều tiền hơn.
Nếu kẻ lừa đảo có thông tin cá nhân của quý vị, hãy liên hệ với IDCARE theo số 1800 595 160 (Thứ Hai đến Thứ Sáu, 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều). Họ có thể giúp quý vị lập kế hoạch (miễn phí) để hạn chế thiệt hại.
Bị lừa đảo là một kinh nghiệm khủng khiếp. Nếu quý vị cần ai đó để nói chuyện (24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần), hãy liên hệ với Lifeline theo số 13 11 14 hoặc Beyond Blue theo số 1300 224 636.
Nhờ trợ giúp nếu cần thiết
Có sẵn sự trợ giúp miễn phí, nếu quý vị cần đến:
- Để được trợ giúp bằng ngôn ngữ của quý vị, hãy gọi cho dịch vụ thông và phiên dịch TIS National qua số 131 450. Họ sẽ nhờ một thông dịch viên gọi đến dịch vụ mà quý vị cần trợ giúp.
- Để được trợ giúp giải quyết các vấn đề về tiền bạc, hãy gọi cho Đường dây Trợ giúp Quốc gia về Nợ nần miễn phí qua số 1800 007 007. Đường dây Trợ giúp từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 9:30 sáng đến 4:30 chiều.